Tiền đầu cơ chảy mạnh vào chứng khoán
- Nhà đầu tư tránh giao dịch chứng khoán tháng cô hồn / Lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán
Cùng với đà tăng tích cực của Vn-Index và HNX-Index, chuỗi chục phiên giao dịch vừa qua chứng khoán Việt Nam bất ngờ ghi nhận thanh khoản tăng cao và đều đặn trở lại. Nếu trong ngày 20/8, tổng giá trị giao dịch của cả hai sàn chỉ đạt hơn 2.400 tỷ đồng thì từ phiên 21/8 đến 5/9, thị trường đón dòng tiền trung bình trên 3.700 tỷ đồng mỗi ngày, tăng hơn 35%.
Trong 10 phiên này có đến 7 phiên thanh khoản hai sàn đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Ngày thị trường mua bán sôi đông nhất có giá trị giao dịch đạt hơn 4.800 tỷ đồng (hôm 29/8). Nhiều chuyên gia cho rằng dòng tiền mới từ các nhà đầu tư cá nhân và các quỹ đầu tư đã dịch chuyển mạnh mẽ vào chứng khoán tuy nhiên chưa chứng tỏ được sự bền vững trong trung và dài hạn.
Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng - Phan Dũng Khánh nhận xét, trong 10 phiên vừa qua, thanh khoản hai sàn đã cải thiện đáng kể theo chiều hướng tích cực. Tuy chưa thể so sánh với giai đoạn bùng nổ của phiên ngày 20/2 (đạt kỷ lục gần 5.500 tỷ đồng) nhưng giá trị giao dịch hai sàn đã bứt phá mạnh, cho thấy sự trở lại đầy hứng khởi của cả nhóm nhà đầu tư cá nhân.
Điểm sáng là dòng tiền mới của nhà đầu tư nhỏ lẻ đã dịch chuyển vào HOSE một cách đầy tự tin và tỷ lệ vay margin cũng tìm lại đà tăng. "Thống kê sơ bộ của một số công ty chứng khoán tại TP HCM, cuối tháng 8 tỷ lệ cho vay margin đạt 55% thì đầu tháng 9 đã nhích lên 65% và vẫn còn dư địa tăng khá lớn", ông Khánh cho hay.
Theo chuyên gia này, nguyên nhân đầu tiên khiến cho dòng tiền quay trở lại với chứng khoán là nhóm nhà đầu tư cá nhân đứng ngoài thị trường suốt tháng bảy âm lịch đã cởi bỏ tâm lý e ngại. Lãi suất huy động và lãi suất tiết kiệm đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, cộng thêm chứng khoán có những phiên tích lũy điểm ấn tượng càng khiến cho nhà đầu tư cá nhân vượt qua cảm giác nghi ngờ để trở lại sàn. Tuy nhiên chiến lược của nhóm này chủ yếu là đầu cơ ngắn hạn.
Các chuyên gia dự báo dòng tiền đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán chủ yếu là đầu cơ, vì vậy các dòng vốn này có thể dịch chuyển khi xuất hiện một đợt điều chỉnh mạnh. Ảnh: Hà Thanh |
Nguyên nhân thứ hai là khối tự doanh đã có dấu hiệu tăng tỷ lệ nắm giữ lên đáng kể. Thứ ba là nhiều quỹ đầu tư công bố đón dòng tiền huy động mới và rục rịch tái cơ cấu danh mục. Đặc biệt là khối ngoại tuy xả hàng, bán ròng liên tục 12 phiên nhưng đà bán đã chững lại. Đằng sau câu chuyện bán ròng này đang bị hoài nghi chỉ là hình thức chứ không phải thực chất. "Bản chất câu chuyện có thể chỉ là khối ngoại ủy thác cho nhà đầu tư nội địa nhưng họ vẫn cầm trịch cuộc chơi", ông Khánh nói.
Trong khi đó, Giám đốc phân tích Quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF), Nguyễn Việt Đức nhận định hầu hết các dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán trong 10 phiên gần đây đều có xu hướng đầu cơ. "Ngoại trừ các quỹ đầu tư và khối ngoại thường nắm giữ trong trung hạn và có khẩu vị chung là blue chip, nhà đầu tư cá nhân chỉ ưa chuộng cổ phiếu bình dân và ưa lướt sóng", ông giải thích.
Theo chuyên gia này, Vn-Index và cả HNX-Index có nhịp độ tăng đều, đặc biệt chỉ số sàn TP HCM bất ngờ vọt từ ngưỡng 605 lên 640 điểm và chỉ điều chỉnh rất nhẹ càng khiến cho nhiều dòng tiền ồ ạt chảy vào chứng khoán. Blue chip dẫn dắt thị trường nhưng chính midcap và penny mới là nhóm cổ phiếu hưởng lợi vì tăng giá khá tốt ở chặng cuối trong chuỗi 10 phiên gần đây. "Do đó kịch bản nhà đầu tư nhỏ lẻ thậm chí khối tự doanh sẵn sàng chốt lời bất cứ lúc nào vì đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng là hoàn toàn khả thi", ông cho hay.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, 10 phiên vừa qua dòng vốn chảy mạnh vào thị trường khá đa dạng: vừa có vốn tổ chức trong và ngoài nước, vừa có tiền của nhà đầu tư cá nhân, thậm chí các dòng vốn mới cũng xuất hiện. Tuy nhiên, ông Hiển cảnh báo dòng tiền đầu cơ sẽ không chôn chân một chỗ quá lâu và sẽ sớm dịch chuyển khỏi thị trường.
Ông Hiển phân tích, đã có nhiều chuyên gia dự báo quý III/2014 các chỉ số trên cả hai sàn sẽ có một đợt giảm khá mạnh, sau đó thị trường mới quay trở lại. Tuy nhiên, chưa có đợt điều chỉnh đáng kể nào xuất hiện. Ngược lại, Vn-Index và HNX-Index lại cứ tích lũy điểm liên tục đã khiến cho chiến lược của nhà đầu tư thay đổi.
Chuyên gia này đánh giá, trong 10 phiên vừa qua, tốc độ tăng điểm của Vn-Index diễn ra quá nhanh đã dẫn đến tình trạng chỉ số này không còn phản ánh đúng tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp trong quý III. "Tôi tin rằng không chóng thì chày, dòng tiền đầu cơ sẽ chuyển hướng để chốt lời trước khi một đợt điều chỉnh xuất hiện trong thời gian tới", ông Hiển dự báo.
Hà Thanh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét