Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

VAMC sẽ xử lý 10.000 tỷ đồng nợ xấu trong quý I

VAMC sẽ xử lý 10.000 tỷ đồng nợ xấu trong quý I

VAMC sẽ xử lý 10.000 tỷ đồng nợ xấu trong quý I Không chỉ đặt mục tiêu mua 10.000 tỷ nợ xấu từ các ngân hàng trong 3 tháng đầu năm, VAMC sẽ chú trọng bán và thu hồi nợ xấu sau khi liên tục mua vào từ năm ngoái.
  • Nỗi lo nợ xấu đẹp hơn / Sắp có quy định mới về phân loại nợ xấu

Thông tin trên vừa được ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản Việt Nam (VAMC) khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ của Ngân hàng Nhà nước chiều 28/2. Theo ông Hùng, VAMC đang thẩm định khoảng 7.000 tỷ nợ xấu và đặt mục tiêu "dọn dẹp" khoảng 10.000 tỷ các tài sản kém chất lượng cho một số ngân hàng. 

Ngoài đặt mục tiêu dọn tiếp "cục máu đông" cho các nhà băng, ông Hùng khẳng định trọng tâm năm 2014 sẽ là xử lý và bán các khoản nợ xấu đã mua từ trước đến nay. Đại diện công ty xử lý nợ xấu quốc gia cũng nói thêm, không chỉ mua lại nợ mà VAMC đã cùng các tổ chức tín dụng thu hồi, đòi được hơn 200 tỷ đồng nợ xấu sau khi chuyển giao từ ngân hàng thương mại. 

Hung-VAMC-Tlan500-1811-1393582023.jpg

Phó Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng khẳng định sẽ tập trung bán nợ sau khi đã mua. Ảnh: Thanh Lan.

Năm 2013, VAMC mua được gần 40.000 tỷ đồng nợ xấu thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt cho các ngân hàng. Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có một vài ngân hàng nộp đơn xin tái cấp vốn từ nguồn trái phiếu này. Tuy nhiên, theo bà, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào được tái cấp vốn do các cơ quan đang tiến hành thẩm định, rà soát để phân bổ nguồn vốn cho hợp lý. Theo quy định, mỗi nhà băng có thể được tái cấp vốn tối đa 70% giá trị trái phiếu.

Ngoài xử lý nợ xấu, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó có việc sắp xếp lại các tổ chức tín dụng. Hiện 8 trong 9 ngân hàng yếu kém đã được xử lý xong khi hoàn thành các phương án như tự cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập... Riêng trường hợp của Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) vẫn chưa được xử lý xong.

Trả lời VnExpress.net về vấn đề này, đại diện Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết GPBank đã trình phương án tái cơ cấu, theo hướng có sự tham gia vốn của đối tác nước ngoài. Dù từ chối cung cấp thông tin về diễn biến thỏa thuận giữa các bên nhưng đại diện cơ quan này khẳng định sẽ có biện pháp mạnh hơn nếu trong năm 2014, các tổ chức tín dụng không thể thực hiện phương án đã được phê duyệt. "Một trong số đó là Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp trực tiếp như góp vốn hoặc chỉ định một ngân hàng khác góp vốn...", vị lãnh đạo này nói.

Sau 2 tháng, tín dụng trên toàn hệ thống vẫn tiếp tục giảm 1,66% (tính đến ngày 20/2). Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, đây là tín hiệu khá bình thường bởi đầu năm tín dụng thường khó tăng trưởng. 

Lãi suất huy động trong thời gian qua theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đã giảm 0,3-0,5 điểm phần trăm một năm, chủ yếu ở các kỳ hạn 1-2 tháng. Ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, mức giảm không đáng kể, chỉ 0,5 điểm phần trăm một năm. "Đây là diễn biến tích cực giúp các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn, kỳ hạn của mình", bà Nguyễn Thị Hồng nhận định.

Trần lãi suất huy động hiện nay là 7% một năm, với kỳ hạn dưới 6 tháng nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, mức trần này không có nhiều ý nghĩa bởi nhiều nhà băng đã giảm mạnh lãi suất tiết kiệm. Mặc dù vậy, nhà điều hành cho rằng đây vẫn chưa phải thời gian chín muồi để dỡ trần lãi suất. "Khi nào nền kinh tế vĩ mô ổn định bền vững, thanh khoản ngân hàng tốt, hệ thống ngân hàng thực sự vững chắc thì Ngân hàng Nhà nước sẽ gỡ bỏ trần lãi suất huy động", bà Hồng nói.

Thanh Thanh Lan

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét