Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Doanh nghiệp Việt kém vì quá xuề xòa, thiếu chuyên nghiệp

Doanh nghiệp Việt kém vì quá xuề xòa, thiếu chuyên nghiệp

Doanh nghiệp Việt kém vì quá xuề xòa, thiếu chuyên nghiệp "Cộng đồng doanh nghiệp Việt thiếu chuyên nghiệp, chưa chuẩn bị kỹ càng chuyện hội nhập, mọi thứ đều quá xuề xòa", ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái tự nhìn ra nhược điểm này khi nói về những thách thức trước thềm hội nhập AEC.
  • Các ngân hàng ASEAN đang đợi vé vào Việt Nam

Theo lộ trình, Việt Nam sẽ cùng với các quốc gia ASEAN hình thành Cộng đồng kinh tế (AEC) vào cuối năm nay. Đây là câu chuyện được chia sẻ tại hội thảo về những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt trước thềm AEC, được tổ chức ngày 10/6. 

phamdinhdoan500-BID-8316-1433952449.jpg

Ông Phạm Đình Đoàn kêu gọi các doanh nghiệp Việt tự lực, tự học hỏi, tự trang bị cho mình trước thềm hội nhập. Ảnh: BID.

Ngay đầu bài phát biểu, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch tập đoàn Phú Thái, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã nói thẳng: "Cộng đồng doanh nghiệp chúng ta ngồi đây nói là một chuyện, kêu gào những khó khăn là một chuyện nhưng 99% vẫn là nên tự xoay xở, tự lực. Nếu cứ trông chờ vào sự cải thiện chung, chúng ta sẽ bị chậm so với các đối thủ khi hội nhập". 

Trong suốt bài phát biểu, doanh nhân này cũng liên tục nêu ra những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam và những lo ngại khi hội nhập với quốc tế. Một trong số đó theo ông Đoàn là tính "xuề xòa", dễ dãi của doanh nghiệp Việt. "Cộng đồng chúng ta chưa chuyên nghiệp, không chuẩn bị kỹ càng trong vấn đề kinh doanh hội nhập. Hoạt động của các hiệp hội mới chỉ mang tính chất vui vẻ, cần làm sao để có tiếng nói, có vị thế và nêu được giải pháp với Chính phủ hơn", ông nói.

Sự thiếu chủ động khi hội nhập cũng được chuyên gia Võ Trí Thành nhắc đến trong buổi hội thảo. Ông dẫn một số liệu khảo sát cho thấy: "30% doanh nghiệp Việt thừa nhận không biết gì về AEC. 70% nói là biết lơ mơ". Bản thân ông Thành cũng đồng tình quan điểm cho rằng các doanh nghiệp cần hành động bài bản hơn thay vì giữ cách "xuề xòa" như trước. 

Theo ông Phạm Đình Đoàn, các doanh nghiệp Việt cần học hỏi nhiều hơn từ Nhật Bản và Hàn Quốc, đặc biệt là ở tính bền vững trong tư duy kinh doanh. "Gần đây tôi có gặp một doanh nhân Nhật, ông ta sản xuất váng đậu ăn lẩu cho các nhà hàng. Sau khi hỏi ra, tôi mới biết 4 đời nhà ông ấy đều kinh doanh loại mặt hàng này. Đó là lý do ông ấy hiện là nhà sản xuất váng đậu số một thế giới. Còn Việt Nam mình thì cứ 2 năm sản xuất váng đậu lại chuyển sang kinh doanh bất động sản, không có định hướng lâu dài gì cả", ông Đoàn kể một câu chuyện để nêu những lo ngại về trào lưu đầu tư đa ngành ở Việt Nam.

Ngày cộng đồng ASEAN thành lập đang tới rất gần. Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, những ngành vốn có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, dệt may, túi xách... sẽ có sự bùng nổ sau khi hội nhập. Nhưng ngược lại, những ngành thâm dụng vốn cao, có hàm lượng công nghệ cao của Việt Nam nhiều khả năng sẽ khó khăn hơn. "Riêng với những lĩnh vực tiềm năng như phân phối, bán lẻ, du lịch, cơ hội và lợi thế lại có vẻ nghiêng về doanh nghiệp nước ngoài chứ không phải nội địa", ông Thành đánh giá.

Để tồn tại và cạnh tranh khi hội nhập, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mọi doanh nghiệp cần phải nghĩ tới trong đầu 4 chữ "tiêu chuẩn quốc tế". "Đây phải là mục tiêu chính mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần đạt tới khi hội nhập, dù doanh nghiệp đó ở quy mô nào đi chăng nữa", ông nói.

Riêng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - đại diện Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay, theo cam kết, đến hết năm 2015, tất cả các nước trong ASEAN cần mở cửa các ngành dịch vụ lên tới 70%. Trong khi đó, đến nay, với lĩnh vực tài chính ngân hàng, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ là 30%. "Trên thực tế, việc gia nhập AEC vẫn cho phép có những sự thỏa thuận và Việt Nam chưa phải mở cửa lĩnh vực ngân hàng ngay ở mức 70%. Tuy nhiên, việc mở rộng tới 40-50% là khó tránh khỏi", ông Lực đánh giá.

Thanh Thanh Lan

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét