Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

5 lý do giá dầu có thể hồi phục năm sau

5 lý do giá dầu có thể hồi phục năm sau

5 lý do giá dầu có thể hồi phục năm sau
Biến động chính trị tại Nigeria, lệnh trừng phạt Iran thắt chặt hay sự can thiệp của Ảrập Xêút đều có khả năng đảo chiều giá dầu năm tới.
  • Việt Nam chịu tác động kép khi giá dầu giảm / Giá dầu xuyên thủng đáy 5 năm
Dầu thô mất giá thời gian gần đây đang là sự kiện kinh tế được quan tâm nhất trong năm. Giá dầu thấp giúp kiềm chế lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, phân phối thu nhập từ các hãng sản xuất năng lượng sang người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Dù vậy, theo Business Spectator, vẫn có 5 lý do các hãng sản xuất có thể kỳ vọng khiến giá dầu tăng năm tới.
oil-8186-1418404505.jpg
Giá dầu thế giới đã xuống đáy 5 năm thời gian gần đây. Ảnh: Bloomberg
1. Bầu cử tại Nigeria
Thật sai lầm nếu cho rằng các vấn đề địa chính trị không có ảnh hưởng lên giá dầu mỏ. Vì kể từ khi các bất ổn này phai nhạt, dầu Brent đã giảm từ đỉnh 115 USD một thùng hồi tháng 6 xuống chỉ 65 USD hiện tại.
Một điểm nóng tiềm tàng hiện nay là quốc gia đông dân nhất Nam Phi, đồng thời là nước cungc cấp dầu mỏ lớn nhất châu lục này - Nigeria. Nhận xét về giá dầu tại một diễn đàn ở Đại học Columbia (Mỹ) tuần trước, Helima Croft - Giám đốc RBC Capital Markets cho biết Nigeria sẽ có một cuộc bầu cử quan trọng vào ngày 14/2 tới, có khả năng gây ra cú sốc nguồn cung dầu.
Nigeria là nguồn cung dầu mỏ rất quan trọng. Thời kỳ đỉnh điểm năm nay, nước này sản xuất tương đương một phần tư Ảrập Xêút và có thể lọt top 10 nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, Nigeria có lịch sử khá bi kịch về đảo chính khi giá dầu xuống thấp. Khi ấy, sản xuất sẽ mất gần một nửa. Nếu bất ổn gia tăng, giá dầu có thể sẽ bị tác động mạnh.
2. Các lệnh trừng phạt lên Iran
Phương Tây đã lựa chọn giải pháp thận trọng khi đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân của nước này, khiến viễn cảnh giá dầu tăng cao vì Iran bị thắt chặt trừng phạt vẫn chưa xảy ra. Tuy nhiên, việc này có thể thay đổi sau cuộc bầu cử tháng trước tại Mỹ, khiến đảng Cộng hòa nắm cả Thượng và Hạ viện.
"Tôi quan tâm nhất là việc Quốc hội sẽ làm gì. Vì chuyển giao quyền lực cho đảng Cộng hòa cũng làm tăng khả năng các đề xuất tăng trừng phạt Iran được thông qua", Croft cho biết.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện - Mitch McConnell cũng vừa tuyên bố các lệnh trừng phạt lên Iran sẽ là ưu tiên gần như hàng đầu của ông. Vì vậy, không khó suy luận giá dầu sẽ bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm 2015.
3. Sự ủng hộ của Ảrập Xêút
Nước có tiếng nói lớn nhất trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - Ảrập Xêút có khả năng hỗ trợ giá dầu bằng cách kiềm chế sản xuất. Tuy nhiên, việc nước này quyết định không giảm sản lượng trong cuộc họp tháng trước đã khiến giá dầu càng đi xuống và nhà đầu tư nghi ngại khả năng can thiệp của quốc gia Trung Đông này.
Dù vậy, tình hình có thể thay đổi trong năm 2015, nếu họ chịu sức ép ngày càng tăng từ các đồng minh và giá xuống dưới kỳ vọng 60 USD một thùng. "Tôi cho rằng Ảrập Xêút sẽ can thiệp và bảo vệ giá dầu, nhưng chưa phải lúc này. Đến một lúc nào đó, các nước sản xuất sẽ phải giảm hoạt động và hỗ trợ thị trường", Guillermo Mondino - Trưởng bộ phận chiến lược và kinh tế các nước mới nổi tại Citi cho biết.
4. Sản xuất dầu từ đá phiến giảm sút
Trong lúc chờ Ảrập Xêút, phương án giảm sản xuất lại đè nặng lên vai các công ty khai thác dầu từ đá phiến Mỹ, Jan Stuart - nhà kinh tế học năng lượng tại Credit Suisse cho biết.
"Phương pháp của Ảrập Xêút sẽ phải mất một thời gian nữa mới khiến sản xuất từ từ đi xuống. Các công ty Mỹ có thể giảm tăng trưởng dầu từ 1,2 triệu thùng một ngày năm nay xuống 200.000 thùng, và giải quyết cân bằng cung cầu năm tới. Vấn đề chỉ là chẳng ai sẵn sàng làm thế trước", Stuart cho biết. Ông dự đoán các công ty Mỹ sẽ bắt đầu thay đổi từ quý II năm sau..
5. Tăng trưởng toàn cầu phục hồi
4 yếu tố trên đều có tác động đến nguồn cung. Tuy nhiên, giá cũng có thể tăng nhờ nhu cầu phục hồi, do giá dầu thấp là chất xúc tác tăng trưởng quan trọng.
Nghiên cứu của Citi Markets cho thấy giá dầu trung bình 80 USD một thùng so với mức gần đây là 105 USD có thể giúp phân phối lại thu nhập từ các đại gia sản xuất dầu tới người dùng với số tiền tương đương 1,1% GDP. "Khoảng 900-1.000 tỷ USD sẽ được chuyển từ túi các hãng sản xuất sang người tiêu dùng", Mondino cho biết. Nằm trong nhóm nước hưởng lợi sẽ là Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, khi GDP có thể tăng 0,4-0,5% nửa đầu năm sau.
Bên cạnh đó, giá dầu thấp còn giảm sức ép lạm phát, giúp các ngân hàng trung ương thoải mái hơn khi thực hiện các chính sách nới lỏng. Việc này có thể kích thích tăng trưởng, kéo theo nhu cầu dầu hồi phục và giá cả cũng từ đó nhích lên.
Hà Thu

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét