Học được gì sau khi ra trường và thất nghiệp
Học được gì sau khi ra trường và thất nghiệp
"Tôi đã làm y như những gì được dạy: học đại học, vay tiền đóng học phí và ra trường đúng hạn. Nhưng sau 3 tháng tốt nghiệp, tôi vẫn nợ nần và không có việc làm", Eric Ruiz kể. - Kinh nghiệm làm giàu của triệu phú 27 tuổi / Thất bại - bài học của mọi doanh nhân
Eric M. Ruiz là người phụ trách bán hàng và chiến lược khu vực Mỹ Latin cho Waze - công ty sản xuất ứng dụng điều hướng và định vị toàn cầu (GPS) đã được Google mua lại năm 2013. Trên Entrepreneur, anh đã chia sẻ câu chuyện của bản thân từ lúc mới ra trường cho đến khi đạt được thành tựu như hôm nay.
Mùa hè năm 2010 đáng lẽ phải là những tháng ngày rất tuyệt. World Cup đang diễn ra tưng bừng, tôi đón sinh nhật lần thứ 23 và lấy bằng cử nhân kinh doanh quốc tế của Đại học San Diego. Nhưng thay vì bắt đầu một sự nghiệp rực rỡ trong lĩnh vực bán hàng và quản lý quốc tế, vài tháng sau đó, tôi vẫn chỉ là một tân cử nhân thất nghiệp và rỗng túi. Đó quả thật là quãng thời gian vô cùng khó khăn trong cuộc đời tôi.
Eric M. Ruiz đã từng mất phương hướng về cuộc sống sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Entrepreneur
|
Nhưng chính vào thời điểm khủng hoảng đó, tôi đã rèn luyện cho bản thân những thói quen và kỹ năng, mà sau này đã giúp tôi đoạt lấy cơ hội và có được công việc mơ ước của mình.
Ban đầu, tôi đã lầm tưởng tấm bằng đại học sẽ giúp mình xin được việc ở bất cứ công ty nào. Điều này có thể đúng nếu đó là năm 1980. Nhưng sự thực là tôi đã tốt nghiệp từ một hệ thống giáo dục gần như không cải tiến từ thời cha mẹ tôi. Trong hệ thống đó, người ta tự mặc định bốn năm học đại học có thể đảm bảo một công việc sau khi ra trường.
Có thể nói, sau đó, tôi đã phải học lại tất cả từ đầu. Nếu muốn thành công, tôi phải thực sự hiểu được nền kinh tế trong thời kỳ Đại khủng hoảng. Và thế là tôi bắt đầu bằng việc nghiên cứu các tài liệu về kinh doanh, marketing và công nghệ.
Hàng xóm của tôi - Matt DeCelles, đã cho tôi mượn cuốn sách kinh điển "Tuần làm 4 giờ" của Tim Ferriss. Giống như nhiều độc giả khác, tôi đã thực sự bị chinh phục. Cuốn sách đã mở ra cho tôi một cách nghĩ mới. Trước đó, tôi đã cho rằng thế giới được vận hành bởi các công ty ngày làm 8 giờ, với những công việc trong giờ hành chính tẻ nhạt, lặp đi lặp lại.
Những cuốn sách tiếp theo mượn của Matt đã giúp tôi hiểu ra vẫn còn rất nhiều, rất nhiều lựa chọn khác. Và thế là tôi bắt đầu cảm thấy hoang mang.
Bởi tình hình tài chính khi đó không cho phép tôi mua sách từ Barnes & Noble - chuỗi cửa hàng bán lẻ sách lớn nhất nước Mỹ, tôi đã quyết định làm theo cách của một cử nhân thất nghiệp đầy tham vọng, dám nghĩ dám làm và dư dả thời gian. Đó là ngày nào cũng đi xe tới hiệu sách Barnes & Noble ở Modesto (California), chọn một cuốn và đọc cho hết hoặc tới khi mắt đã mỏi nhừ. Thậm chí tôi còn đánh dấu lại để đọc tiếp vào ngày hôm sau.
Tôi không nhớ rõ đã đọc bao nhiêu cuốn theo cách như vậy. Tôi kể chuyện này ra chẳng phải để khoe khoang. Tôi chỉ muốn bạn hiểu rằng nếu ai đó đã khao khát làm điều gì, không gì có thể cản đường họ. Thật may là chướng ngại duy nhất của tôi chỉ là không có tiền mua sách.
Chính trong những buổi đọc sách say sưa đó, tôi đã bắt gặp cuốn One Simple Idea (Một ý tưởng đơn giản) của Stephen Key. Ông chia sẻ về khoảng thời gian lớn lên ở Bắc California nhưng cuối cùng lại đưa gia đình chuyển tới sống ở thị trấn Modesto.
Tôi đã vô cùng sửng sốt. Stephen Key người chủ trì những buổi hội thảo mà tôi từng tham dự, người có những ảnh hưởng mạnh mẽ nhất lên quan điểm của tôi về bán hàng, lại là cư dân lâu năm ở chính thị trấn của tôi.
Tôi nhớ mình đã rút điện thoại ra và dành cả tiếng để soạn email gửi cho ông. Hôm sau, tôi nhận được một thư trả lời rất thân thiện, nói rằng tôi có thể gọi cho ông để cùng bàn về sự nghiệp của mình.
Đó đã là chuyện của ba năm về trước. Đến nay, Stephen vẫn là một người thầy, người bạn hỗ trợ tôi trong cả công việc và đời thường.
Một trong những bất lợi của việc sinh trưởng tại một thị trấn nhỏ là khó tìm được một người thầy trong lĩnh vực kinh doanh. Người ta thậm chí còn chẳng nghĩ mình có cơ hội thành đạt. Phải chăng chỉ có người ở các đô thị lớn mới có thể kinh doanh?
Nhưng mà Stephen cũng sống ở thị trấn của tôi. Và ông đã thành công. Vậy tại sao tôi lại không thể? Ngoài đưa ra những lời khuyên, Stephen còn chứng minh cho tôi thấy biến giấc mơ thành hiện thực không chỉ khả thi, mà còn dễ dàng hơn tôi nghĩ.
Sau buổi gặp gỡ đầu tiên ở hiệu sách Barnes & Noble, ông nói với tôi rằng thái độ quyết định tới thành công nhiều hơn cả bằng cấp và mối quan hệ. Và rằng tôi đang có một thái độ đúng đắn. Có thể nói, ông tin tưởng tôi trước cả khi tôi chịu tin tưởng chính mình. Có được người thầy như Stephen là yếu tố quan trọng nhất giúp tôi tiến bước trên con đường sự nghiệp.
Hè năm đó, tôi quyết định chuyển tới San Francisco. Ở đó, các công ty mới mọc lên như nấm và tôi hiểu rằng mình sẽ chẳng có cơ hội nào nếu ở quá xa. Tôi phải tới đây.
Arman là bạn đại học của tôi, vừa chuyển từ New York tới San Francisco để nhận việc ở Google. Một trong những điều tôi học được từ Stephen là đừng ngại xin lời khuyên của người khác, nhất là từ những người đang làm được việc mà bạn mong muốn. Vì vậy, tôi đã tìm đến Arman và hỏi làm thế nào cậu ấy được Google nhận, và làm sao để tôi cũng được điều tương tự. Arman đã rất vui vẻ chỉ cho tôi và còn giới thiệu tôi với anh họ của cậu ấy - người phụ trách tuyển dụng cho một công ty mới khá nổi có tên Zimride. Họ đang cần tuyển một nhân viên kinh doanh và Arman đã nói tốt về tôi với anh cậu ấy.
Suốt mấy tháng sau đó, tôi đã được cả tá người phỏng vấn, từ giám đốc đối ngoại, nhân viên nhân sự và cuối cùng là ban lãnh đạo, bao gồm cả chủ tịch. Họ nói tôi rất phù hợp với văn hóa công ty, nhưng tiếc một điều là lại thiếu kinh nghiệm. Sau khi cân nhắc khá lâu, cuối cùng Zimride cũng nhận tôi với thời gian thử việc một tháng.
Tôi đã rất sung sướng vì được trao cơ hội. Và nếu vượt chỉ tiêu, tôi sẽ trở thành nhân viên chính thức.
Một tuần sau khi bắt đầu làm việc, một lãnh đạo bên phòng đối ngoại bảo với tôi rằng chủ tịch công ty muốn nói chuyện với tôi. Tôi đã rất vui mừng. Đây sẽ là cuộc nói chuyện đầu tiên của tôi với ông ấy từ khi bước chân vào công ty. Tôi rất háo hức được nghe ông chia sẻ về tầm nhìn cũng như dự định của công ty, và làm thế nào tôi có thể đóng góp vào kế hoạch đó.
Nhưng mọi chuyện không như tôi tưởng. Cùng lúc khi tôi được nhận vào làm, công ty cũng thuê một vị giám đốc mới. Người này có nhiệm vụ điều chỉnh lại đội ngũ bán hàng và đạt chỉ tiêu doanh số cao. Vì thế, những gì chủ tịch nói với tôi lại là giám đốc mới quyết định tái cơ cấu đội ngũ bán hàng, và vị trí của tôi bị "xóa sổ". Tức là tôi mất việc. Ông xoa dịu tôi bằng cách khẳng định việc sa thải hoàn toàn không phải do thái độ hay năng suất làm việc của tôi. Ông còn an ủi rằng các đồng nghiệp rất thích tôi.
Đó là một cú sốc tinh thần đối với tôi. Tôi thậm chí còn không trụ nổi một tuần ở Zimride. Nhưng ngẫm lại, một trong những mục tiêu của tôi vài tháng trước là đặt chân tới San Francisco và trải nghiệm không khí khởi nghiệp ở đây. Zimride đã giúp tôi thực hiện được điều đó. Tôi phải cảm ơn họ vì điều này.
Một tuần sau đó, tôi chuyển tới Palo Alto (California) và ở cùng phòng với Stefan - người bạn quen từ thời ở Modesto. Thấy tôi tâm trạng tồi tệ, Stefan đã mời tôi tới một nhà hàng ngay gần văn phòng của cậu ấy.
"Đừng lo, chúng ta sẽ tìm được việc cho cậu", cậu ấy an ủi, "Tớ có thể giới thiệu cậu với bạn tớ ở Google. Tớ cũng có bạn làm việc cho Facebook nữa. Ở Palo Alto cũng có nhiều công ty khởi nghiệp mà. Ví dụ như Waze ở ngay bên kia đường này".
Tôi đã nghe rất nhiều về Waze, nhưng trước đó, tôi cứ tưởng công ty này chỉ có trụ sở ở Israel. Hồi học đại học, tôi đã từng làm một dự án về các doanh nghiệp Israel và rất muốn xem chi nhánh của công ty này ở Mỹ như thế nào.
Sau đó, tôi lên trang web của Waze để tìm kiếm thêm thông tin. Họ đang cần tuyển một thực tập sinh truyền thông hỗ trợ các việc như đăng tin, phát triển các chiến dịch quảng cáo và phụ giúp các công việc marketing khác. Tôi có kinh nghiệm trong những việc kiểu này và tin chắc mình sẽ có ích cho Waze. Và thế là tôi đứng lên ngay lập tức.
"Cậu đi đâu đó?" Stefan hỏi với cái miệng đầy cơm.
"Đến văn phòng của Waze và hỏi thêm về cơ hội thực tập này!"
"Ngay bây giờ á?"
Stefan chỉ gật đầu và nói: "Tôi thích tinh thần của cậu. Chúc may mắn".
10 phút sau, tôi trở lại với một tấm danh thiếp trên tay. "Ông Michael gì đó không có ở văn phòng. Tớ đã gọi cho ông ấy, nhắn vào hộp thư thoại và tối nay sẽ gửi mail", tôi nói với Stefan. Chẳng thể ngờ rằng, những gì diễn ra ngày hôm đó lại là bước ngoặt của đời tôi.
Nếu không nhờ những bài học tích lũy được khi thất nghiệp, hôm nay tôi đã chẳng thể ngồi đây viết những dòng này. Ngày mới bước chân vào thị trường, tôi đã phải đối mặt với câu hỏi: "Bạn có bằng cấp à, thế thì sao?" Cách giải quyết duy nhất là tiếp tục học hỏi từ những người đi trước và mở rộng mối quan hệ.
Tôi vẫn tiếp tục đọc sách và học tập ngay cả khi đã tốt nghiệp. Trên con đường của mình, tôi đã gặp được những người thầy thông minh và hào phóng, những người đã cho tôi biết tầm quan trọng của một thái độ tích cực và lạc quan.
Nhưng có lẽ bài học quan trọng nhất mà tôi học được đó là mọi thứ đều chỉ là tạm thời. Hoàn cảnh hiện tại, dù tệ hại tới đâu, cũng sẽ đến lúc thay đổi. Ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, tôi vẫn có sức khỏe và trí tuệ. Cũng như một nhà văn La Mã đã từng nói: "Sức khỏe tốt và trí tuệ minh mẫn là hai điều hạnh phúc nhất của cuộc đời."
Ai cũng nắm trong tay những yếu tố để dẫn tới thành công. Đó là hoài bão và ý chí học hỏi. Thứ chúng ta cần thêm chỉ là niềm tin vào bản thân. Và đừng quên rằng, cơ hội sẽ xuất hiện trong những lúc gian nan nhất.
Hà Tường
0 nhận xét:
Đăng nhận xét