Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp Việt đang nhỏ dần
Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp Việt đang nhỏ dần
Việt Nam đang thiếu một khu vực doanh nghiệp cỡ vừa để đủ sức tiếp cận với công nghệ mới, trở thành đối tác của các tập đoàn xuyên quốc gia, theo ông Vũ Tiến Lộc.
Trước thềm hội nghị Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra sáng 28/4, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ với báo chí về tình hình sức khoẻ doanh nghiệp trong nước. Hội nghị lần này dự kiến có sự tham dự của 4 Phó Thủ tướng, 9 Bộ trưởng, Chủ tịch 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.
- Ông kỳ vọng gì ở Hội nghị Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp lần này?
- Kỳ vọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chỉ trong một hội nghị hay ngày một ngày hai tới là điều rất khó. Cá nhân tôi cho rằng ý nghĩa lớn nhất của cuộc gặp gỡ này là về mặt tinh thần. Nó thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Thủ tướng, của Chính phủ với doanh nghiệp. Nó sẽ tạo niềm tin và động lực cho doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp dân doanh vượt qua giai đoạn khó khăn này. Niềm tin đó gồm niềm tin của xã hội với doanh nghiệp, và cũng là niềm tin doanh nghiệp với công cuộc cải cách thể chế mà từ đầu năm đến nay Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra những thông điệp cụ thể và thực hiện nó một cách quyết liệt.
Hơn 400 đại biểu là đại diện doanh nghiệp trong số 500 người tham gia hội nghị. Trong đó, khối Nhà nước có 20, đại diện khối FDI có 70, còn lại 330 chủ yếu đến từ khối dân doanh. Thủ tướng có nói rằng Chính phủ rất quan tâm và tìm giải pháp cho khối doanh nghiệp này, muốn coi đây là động lực, và xương sống của nền kinh tế.
- Điều này có gì mâu thuẫn khi mà trong nhiều văn bản chúng ta vẫn nói kinh tế Nhà nước vẫn là chủ đạo?
- Tôi nghĩ không có gì là mâu thuẫn. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế của thế giới là coi doanh nghiệp tư là động lực chủ yếu của tăng trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang thu hẹp quy mô của doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa khối doanh nghiệp này. Và dần dần doanh nghiệp nhà nước chỉ làm những việc, lĩnh vực mà khối tư nhân không có điều kiện hoặc không muốn làm.
- Ông nhìn nhận sức khoẻ của khối doanh nghiệp tư hiện nay thế nào?
- Ba mươi năm cải cách với các cơ hội kinh doanh bùng nổ, đặc biệt là trong các lĩnh vực khai thác tài nguyên, bất động sản, tài chính ngân hàng… đã giúp không ít doanh nhân tích lũy được nhiều của cải. Nhưng chúng ta vẫn chưa tạo ra được một thế hệ các nhà công nghiệp gắn liền tên tuổi, sự nghiệp với sự hình thành và phát triển của các thương hiệu lớn và các cụm ngành công nghiệp quốc gia, vươn ra được thế giới.
Hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì chỉ có khoảng 4% cỡ lớn và vừa. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 96%. Nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể như thông lệ thế giới thì tỷ lệ này có thể tới 99,9%.
Các nhà kinh tế cũng đã nói một cách hình ảnh đó là "đội thuyền thúng" doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức phải ra biển lớn.
Cho nên, cùng với mục tiêu tăng số lượng doanh nghiệp lên một triệu trong 10 năm tới, chúng ta cũng phải phấn đấu có được một khu vực đủ lớn các doanh nghiệp cỡ vừa, đủ sức tiếp cận với công nghệ mới và trở thành đối tác của các tập đoàn xuyên quốc gia, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
- Để làm được điều đó thì cần ưu tiên chính sách như thế nào?
- Dường như đang thiếu chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một số chính sách thì ta làm theo kiểu hỗ trợ cho họ vượt qua khó khăn. Hỗ trợ doanh nghiệp là phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp có tiềm năng được tiếp cận nguồn lực để vượt lên chứ không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn. Cần phải tư duy về chính sách như thế. Vừa qua chúng ta chỉ tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhà nước lớn lên thôi.
Có những doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng, vấn đề là làm sao Nhà nước, các tổ chức hỗ trợ chọn ra, để có chính sách thúc đẩy họ trở thành doanh nghiệp vừa và lớn. Tức là thêm chính sách hỗ trợ có chọn lọc.
Ví dụ trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang thực hiện cũng là cơ hội để doanh nghiệp tư lớn lên. Ở đâu đó vẫn nói phải tìm đối tác chiến lược nước ngoài nhưng tôi cho phải là doanh nghiệp tư nhân. Làm sao để họ tham gia quá trình cổ phần hóa, để từ quy mô vừa và nhỏ, họ mua cổ phần doanh nghiệp Nhà nước thì sẽ lớn lên về quy mô trong thời gian ngắn.
8 nhóm kiến nghị cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Thủ tướng
Tiếp tục đổi mới hệ thống pháp luật về kinh doanh để bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp. Trọng tâm là sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thông thoáng hơn nữa, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Về chính sách tài khóa, cần thực hiện phương châm khoan sức cho doanh nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể trụ vững và phục hồi trong thời gian 2-3 năm trước mắt; rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% với doanh nghiệp lớn và 18% với doanh nghiệp nhỏ và vừa, chấn chỉnh hoạt động thu phí và lệ phí để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.
Chính sách tín dụng, cần được tiếp tục tháo gỡ theo hướng cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp bằng cách đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, phát triển hình thức bảo lãnh tín dụng.
Về chính sách công nghệ, đề nghị cần định hướng giúp các doanh nghiệp tạo ra bước bứt phát, đón đầu để đạt tới trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực. Xây dựng được hàng rào công nghệ để bảo đảm lựa chọn công nghệ phù hợp trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Về chính sách thị trường phải bảo đảm trên thực tế sự bình đẳng của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân với các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp lớn và khu vực FDI trong tiếp cận các nguồn lực, đất đai, tín dụng, các dự án đầu tư công và mua sắm.
Đề nghị công bố bộ thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp trên cơ sở rà xét, loại bỏ trùng lặp giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành. Tiến tới xây dựng Bộ Luật thống nhất về thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp.
Về việc tăng cường đối thoại hợp tác giữa các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp, nâng cao vai trò và trách nhiệm của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. VCCI đề nghị cuộc gặp Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp sẽ được tổ chức thường niên.
|
Chí Hiếu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét