Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Đất đô thị như gà đẻ trứng vàng vào túi tư nhân

Đất đô thị như gà đẻ trứng vàng vào túi tư nhân

Đất đô thị như gà đẻ trứng vàng vào túi tư nhân
Nhà đầu tư địa ốc chỉ chực lấy đất, chờ Nhà nước làm hạ tầng sau đó bán hưởng chênh lệch lớn là sự bất công ghê gớm trên thị trường bất động sản hiện nay, theo đại biểu Trần Du Lịch.
  • Chung cư Hà Nội rậm rịch tăng giá
Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) ngày 27/5, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) nhận định, với tình hình hiện nay vài chục năm nữa cũng không thể đảm bảo mọi người đều có nhà để ở. Do đó dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần đưa ra chính sách để mọi người có chỗ ở, thay vì mục tiêu sở hữu nhà ở.
Cụ thể, dự thảo luật cần tiếp cận thị trường bất động sản trên hai góc độ sơ cấp và thứ cấp. Vị đại biểu TP HCM phân tích, trên thi trường sơ cấp- thời điểm đất nông nghiệp tạo ra các khu đô thị, dự án địa ốc-luật pháp điều chỉnh để Nhà nước sẽ là đối tượng duy nhất thu được địa tô tuyệt đối. Nhà đầu tư thứ cấp chỉ được kinh doanh thu lời trên cơ sở đã đầu tư hạ tầng, dự án rồi. Theo ông, không thể để có chuyện nhà đầu tư lấy đất rồi chờ Nhà nước làm hạ tầng sau đó bán đất giá cao ăn chênh lệch. 
"Đây là sự bất công ghê gớm. Đất đô thị là gà đẻ trứng vàng nhưng không vào ngân sách mà vào túi tư nhân", ông chia sẻ.
biet-thu-4771-1401190409.jpg
Thị trường bất động sản kỳ vọng loại bỏ những bất cập khi Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi được thông qua. Ảnh: Hoàng Lan
Theo ông, bài toán đặt ra đối với cơ quan soạn thảo là phải làm sao đồng bộ và liên thông trên 3 thị trường: chuyển nhượng, cho thuê và thế chấp. Vị đại biểu TP HCM cho rằng, việc góp tiền của người dân vào một dự án bất động sản là thoả thuận dân sự. Để tránh trường hợp chủ đầu tư chiếm dụng vốn, luật cần quy định tiền đầu tư dự án thông qua một tổ chức tín dụng, và nhà băng giải ngân đến đâu, dự án triển khai đến đó. 
"Có người nói, giá như luật chặt chẽ thì tôi không chết, không nợ nần, vì tôi trót lấy tiền mua đất khác rồi. Luật đã làm cho lòng tham của con người biến thành vi phạm", đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn.
Số đông các đại biểu cho rằng, thực tế thị trường bất động sản bất hợp lý nguồn cung do thừa căn hộ cao cấp, thiếu chung cư bình dân. Cung cầu không gặp cầu khiến thanh khoản thị trường khó khăn. 
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) nhận định, thực tế vừa qua, chính sách trong việc quản lý thị trường bất động sản chưa mang lại hiệu ứng tích cực. Việc hâm lại bất động sản bất thành do đó, địa ốc cần có giải pháp chính sách dài hơi hơn để đánh thức thị trường. Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi lần này cần phát huy được tác dụng để đi vào thực tiễn. "Trước kia lúc chưa khủng hoảng thị trường bất động sản khá sôi động, tuy nhiên đến nay lâm vào tình cảnh khó khăn do chưa bắt đúng mạch, người nhu cầu thực vẫn chưa tiếp cận được nhà ở", ông Sơn nhận định.
Một trong các giải pháp cần tháo gỡ khó khăn cho thị trường là đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Ông Sơn giải thích, chính sách phải hỗ trợ để nhà đầu tư thây có hiệu quả mới thu hút được doanh nghiệp rót vốn. Thực tế có chuyện nhiều doanh nghiệp thấy được ưu đãi đất, hỗ trợ kinh phí nhưng chỉ được vài năm đầu, dẫn đến chủ đầu tư khi tính toán không thấy hiệu quả liền lập tức rút lui. "Kết quả là doanh nghiệp ban đầu rất hào hứng nhưng chỉ lờn vờn ban đầu rồi lại rút ra", ông Sơn thẳng thắn.
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường bất động sản thời gian qua phát triển thiếu ổn định, tình trạng đầu tư tự phát, theo "phong trào", theo "đám đông" diễn ra phổ biến. Giá cả bất động sản tăng cao, cộng với tình trạng đầu cơ, kích giá, tạo giá ảo vượt quá khả năng chi trả của đại bộ phận tầng lớp dân cư trong xã hội. Khi thị trường bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, cộng thêm việc các Ngân hàng thắt chặt cho vay tín dụng bất động sản thì thị trường lại rơi vào tình trạng trầm lắng kéo dài, giao dịch ít, thậm chí không có giao dịch, giá cả sụt giảm. 
Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng Luật kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở còn nhập nhằng. Theo ông nói chuyện công khai minh bạch cho thị trường chỉ là "mĩ miều" mang tính chất động viên tinh thần là chính. Bởi thực tế thời gian qua, nhiều chủ đầu tư lấy tiền của khách hàng, người dân chờ "dài cổ" và cuối cùng khu nhà cũng chỉ là bãi đất hoang. Tình trạng chiếm đoạt, lừa đảo trong thị trường bất động sản diễn ra nhiều nhưng vãn chưa xử lý được.
"Trong luật cần có cơ chế để quản lý thật chặt nguồn vốn của chủ đầu tư trong đó liên kết 3 nhà đầu tư, ngân hàng và khách hàng. Tiền sử dụng đến đâu, hạng mục gì, các bên phải nắm được", ông Đương bày tỏ. 
Có mặt tại phiên họp tổ đoàn đại biểu Hà Tĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Hà khẳng định sẽ tiếp thu tất cả ý kiến của các đại biểu trình lên Bộ trưởng để dự thảo Luật đi vào thực tiễn.
Hoàng Lan

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét