Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Các hãng bia mong kiếm lời từ thị trường châu Á

Các hãng bia mong kiếm lời từ thị trường châu Á

Các hãng bia mong kiếm lời từ thị trường châu Á Thị trường bia châu Á đang được lấp đầy bởi nhu cầu từ các nước như Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ, với tốc độ tăng trưởng dự đoán 8-10% mỗi năm.
  • Đánh chiếm thị trường bia tươi / Nhà hàng, quán nhậu lo tiêu cực nếu cấm bán rượu bia sau 22h

Bia là thức uống phổ biến thứ ba trên thế giới, sau nước lọc và trà. Đây cũng là đồ uống đặc biệt được ưa chuộng tại châu Á. Thị trường bia tại châu lục này có quy mô 156 tỷ USD năm 2013 và được dự đoán chạm 220 tỷ USD năm 2020, theo báo cáo cuối tháng trước của tổ chức nghiên cứu Transparency Market Research. Số liệu này tương đương tốc độ tăng 5% mỗi năm, nhanh nhất thế giới.

Từ năm 2007, châu Á - Thái Bình Dương đã vượt qua châu Âu và châu Mỹ để trở thành nơi tiêu thụ bia lớn nhất thế giới. Theo Euromonitor, người châu Á đã uống 72 tỷ lít bia năm 2013, vượt châu Mỹ với 58 tỷ và châu Âu với 51 tỷ.

Trung Quốc đóng góp hơn 70% lượng bia tiêu thụ ở châu Á, Nhật Bản đứng thứ 2 với chỉ 9%. Theo sau là Việt Nam (4%), Ấn Độ (3%) và Hàn Quốc (2,8%).

bia-8077-1408958622.jpg

Thị trường bia châu Á được dự đoán tăng trưởng 5% mỗi năm cho đến năm 2020. Ảnh: AFP

Tính trung bình, mỗi người Trung Quốc đủ tuổi uống bia tiêu thụ tới 47 lít năm ngoái, ít hơn so với 59 lít của người Nhật. Tuy nhiên, cả hai số liệu này vẫn còn kém xa 175 lít của người Séc - quốc gia uống nhiều bia nhất thế giới.

Việc này khiến các nhà phân tích cho rằng thị trường châu Á vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Jason Wong - nhà nghiên cứu tại Euromonitor cho biết: "Bia vẫn chưa đạt đến trạng thái bão hòa và triển vọng tăng trưởng vẫn còn".

Tốc độ tăng trưởng tại các nước bão hòa như Singapore, Thái Lan và Philippines được dự đoán sẽ đứng yên hoặc giảm trong các năm tới. Tuy nhiên, nhu cầu bia của châu Á đang được lấp đầy bởi các nước như Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ. Các thị trường này được dự đoán tăng 8-10% mỗi năm.

Trên Channel News Asia, ông John Botia - Giám đốc điều hành Carlsberg Singapore cho rằng nguyên nhân là thu nhập tại đây đang tăng lên, tốc độ đô thị hóa nhanh và dân số tăng trưởng mạnh. "Có lẽ ví dụ rõ ràng nhất là ở Ấn Độ. Chỉ trong 3-5 năm tới, nước này sẽ có thêm 100 triệu người đủ tuổi uống bia", ông nói.

Trong ngành này, các thương hiệu địa phương có vai trò rất quan trọng và châu Á cũng không ngoại lệ. Mọi người thường uống loại bia đã quen thuộc. Như tại Singapore, người dân thường uống Tiger. Tại Philippines là San Miguel và ở Nhật Bản là Asahi.

Những năm gần đây, các đại gia bia toàn cầu như Carlsberg hay Heineken đã mua lại hoặc hợp tác với các hãng bia địa phương để tăng thị phần. Chiêu này cũng giúp họ đưa các thương hiệu cao cấp tiếp cận những người sẵn sàng thay đổi. Tuy nhiên, quá trình "cao cấp hóa" này cũng có hạn chế. Khi thu nhập tăng và khẩu vị thay đổi, người ta sẽ tìm đến rượu thay vì bia.

Một rủi ro khác là các quy định của giới chức. Wong cho biết: "Chúng tôi chịu rất nhiều áp lực từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Họ đang gây sức ép lên các Chính phủ, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và siết quảng cáo. Vì thế, tìm cách tăng tiêu thụ là việc rất khó khăn". Dù vậy, giới phân tích vẫn cho rằng nếu các hãng bia có cách thức phù hợp, họ vẫn có thể kiếm lời rất lớn từ thị trường béo bở như châu Á.

Hà Thu

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét