Đại gia địa ốc sống nhờ nông nghiệp, quản lý chợ
Đại gia địa ốc sống nhờ nông nghiệp, quản lý chợ
Nhiều doanh nghiệp niêm yết đang gặt hái thành quả nhờ chuyển hướng kinh doanh ngoài ngành nghề chính, trong đó Hoàng Anh Gia Lai hay Nhà Thủ Đức là những ví dụ điển hình. - Số doanh nghiệp chết vẫn tăng / Khó khăn, doanh nghiệp đua nhau ở ghép
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã CK: HAG) nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản. Khi thị trường bất động sản trầm lắng, nhìn nhận được những khó khăn đang và sẽ gặp phải, năm 2013, Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu tái cấu trúc toàn tập đoàn lần 3 thông qua chuyển hướng từ bất động sản sang trồng cây nông nghiệp.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2013, tổng doanh thu của HAGL đạt 2.774 tỷ đồng. Trong số này, nguồn thu mới từ bán mía đường đạt gần 838 tỷ đồng, bán mủ cao su cũng đóng góp cho tập đoàn 238 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2012. Năm 2013, lợi nhuận sau thuế của HAGL đạt gần 950 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức hàng năm mang lại cho Nhà Thủ Đức vài chục tỷ đồng. Ảnh: NV.
|
Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Mã CK: TDH) có doanh thu thuần và cung cấp dịch vụ đạt 409 tỷ đồng, trong đó, dịch vụ quản lý chợ đạt 127,6 tỷ đồng, thương mại dịch vụ 5,5 tỷ đồng. Như vậy, lĩnh vực kinh doanh phụ này chiếm tới 32% doanh thu của Nhà Thủ Đức.
Điều đáng chú ý, năm 2013 doanh thu từ thiết bị đóng cắt - LS của Nhà Thủ Đức đạt 256 tỷ đồng, chiếm 62% tổng doanh thu nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động này chỉ đạt 3 tỷ đồng, còn dịch vụ quản lý chợ đạt 16,7 tỷ, đóng góp tới 49% trong tổng lợi nhuận đạt được năm nay của công ty này.
Là một doanh nghiệp chuyên về tư vấn đầu tư, nhưng lợi nhuận đạt được năm 2013 của Công ty cổ phần đầu tư Châu Á-Thái Bình Dương (Mã CK: API)lại từ hoạt động kinh doanh khác. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2013, công ty không có doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, chỉ có doanh thu hoạt động tài chính đạt 12,1 tỷ đồng, chi phí tài chính âm 3 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 10,5 tỷ đồng. Ngoài ra, do phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết đạt 34,13 tỷ đồng, cả năm 2013, API đạt 45,947 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Đáng chú ý hơn, lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết của công ty này không đến từ kết quả kinh doanh trong kỳ mà xuất phát từ chênh lệch giữa giá mua cổ phiếu và giá trị sổ sách cổ phiếu IDJ của Công ty cổ phần đầu tư tài chính quốc tế và phát triển doanh nghiệp.
Cụ thể, ngày 24/12/2013, API mua hơn 6.522 triệu cổ phiếu IDJ, chiếm 20,1% vốn điều lệ công ty này, giá trị mua đạt 27,79 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 4.261 đồng một cổ phiếu. Trong khi đó, giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán của lượng cổ phiếu IDJ trên 61,9 tỷ đồng. Chênh lệch này đã giúp API ghi nhận con số lợi nhuận lớn trong kỳ.
Ngoài những doanh nghiệp lãi từ đầu tư vào nông nghiệp hay chênh lệch cổ phiếu, còn có những doanh nghiệp lãi đến từ tiền gửi ngân hàng. Trong đó, chiếm đa số là các công ty chứng khoán như Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (Mã CK: SSI) hay chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (Mã CK: SHS)... Doanh thu của các doanh nghiệp này giảm so với 2012, trong đó doanh thu khác chiếm gần 50% tổng doanh thu.
Cụ thể, năm 2013, tổng doanh thu của chứng khoán Sài Gòn đạt 726 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận khác đạt 356 tỷ đồng. Còn tại chứng khoán Sài Gòn Hà Nội, tổng doanh thu đạt 135 tỷ đồng, giảm 63% so với 2012, doanh thu khác cũng đạt 43,3 tỷ đồng, chiếm 32% tổng doanh thu.
Đánh giá về tình hình kinh doanh của những doanh nghiệp trên, ông Trương Duy Khiêm-Giám đốc chi nhánh Lê Ngô Cát, Công ty chứng khoán ABCS cho rằng, việc một số doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh hoặc kiếm tiền thêm từ lĩnh vực khác khi ngành chính sụt giảm và họ đã nhanh chóng có lời cho thấy phần nào đơn vị đó đã đi đúng hướng. "Việc đầu tư không nhất thiết phải rập khuôn theo một công thức, trên thế giới cũng đã có doanh nghiệp xuất phát điểm từ lĩnh vực này nhưng lại có tiếng vang và lãi từ lĩnh vực khác", ông Khiêm nói.
Về phía Công ty cổ phần đầu tư Châu Á-Thái Bình Dương, ông Khiêm cũng cho hay, cần xem xét lại lợi nhuận của doanh nghiệp này, bởi lãi đó chỉ mang tính nhất thời, tùy thuộc một phần vào diễn biến của thị trường chứng khoán. Riêng về các công ty thiết bị đóng cắt - LS tại đây, lợi nhuận chủ yếu đến từ tiền gửi ngân hàng cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, trong lúc tình hình kinh tế vĩ mô chưa mấy sáng sủa, nhà đầu tư còn quá thận trọng trong việc giải ngân, nên các hoạt động huy động vốn qua thị trường chứng khoán trầm lắng, các công ty chứng khoán cẩn trọng hơn với việc đầu tư. Đây cũng là cách thức mà các công ty chứng khoán có thể tồn tại trong thời điểm khó khăn.
Tuy nhiên, ông Khiêm cũng khuyên các doanh nghiệp nên tập trung vào lĩnh vực then chốt để có bước đi bền vững hơn. Nếu doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh, nhà đầu tư nên xem xét lộ trình cũng như hướng đi trong tương lai của doanh nghiệp này để có quyết định đầu tư đúng đắn.
Hồng Châu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét