Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Người đàn bà vượt nỗi đau ly hôn trong hành trình 'Xuyên Mỹ'

Người đàn bà vượt nỗi đau ly hôn trong hành trình 'Xuyên Mỹ'

Người đàn bà vượt nỗi đau ly hôn trong hành trình 'Xuyên Mỹ'

Không dễ để ai đó mở toang góc khuất tâm hồn cho người khác nhìn vào nỗi đau mất mát của riêng họ. Nhưng Phan Việt làm được điều này, qua trang viết.

  • Một mình ở châu Âu / Phan Việt: 'Cái bất định của văn chương hấp dẫn tôi'

Tên sách: Xuyên Mỹ
Tác giả: Phan Việt
Nhà xuất bản Trẻ

Giữ lời hứa với độc giả, sau thành công của Một mình ở châu Âu (phát hành năm 2013), tác giả Phan Việt vừa ra mắt cuốn Xuyên Mỹ. Cuốn sách mới của nữ nhà văn là ấn phẩm thứ hai trong bộ sách có tên chung "Bất hạnh là một tài sản". Sự phân định thể loại sách ở đây dường như không quá cần thiết. Chất hồi ký, tự truyện hòa lẫn với văn phong sống động, đầy cảm xúc của một tiểu thuyết gia giúp văn của Phan Việt mang màu sắc, dấu ấn và cá tính riêng, không bị lẫn vào ai khác.

Tiếp nối Một mình ở châu Âu, Xuyên Mỹ kể lại khoảng thời gian hai năm khi Phan Việt trở về nhà ở Mỹ sau thời gian đắm đuối với vẻ đẹp lãng mạn cổ kính của Pháp và các nước khác để đi tìm lại chính con người mình. Về Mỹ, từ ngôi nhà ở Bờ Đông nước Mỹ, chị và người chồng cũ chuyển về sống ở Chicago, rồi cả hai ly hôn. Phan Việt sau đó nỗ lực hoàn thành chương trình tiến sĩ của mình ở Đại học Chicago, và chuyển sang bờ Tây để làm việc.

Bìa ngoài của "Xuyên Mỹ".

Bìa ngoài của "Xuyên Mỹ".

Hành trình dẫn đến quyết định ly dị, chấm dứt cuộc hôn nhân bảy năm của nữ tác giả là sợi chỉ xuyên suốt toàn bộ cuốn sách. Chủ đề ly hôn trong cuốn sách ở đây không còn là một trạng thái, một hành vi xã hội quen thuộc, nó được đề cập và miêu tả như một chủ thể, một nhân vật của cuốn sách. Ngay từ những dòng đầu tiên, Phan Việt giới thiệu đến độc giả "nhân vật" luôn đeo bám hành trình tâm tưởng của chị qua gần hơn 370 trang sách.

Từ khi chủ động nghĩ đến chuyện ly hôn và nêu ra điều này với chồng, tác giả - nhân vật "tôi" - liên tục đối diện với những khoảng trống mất mát trong tâm hồn. Sự dằn vặt, buồn bã, trầm cảm, phân vân, nỗi sợ hãi, lo âu, áp lực, và lớn nhất là nỗi đau khi buộc phải đưa ra quyết định đoạn tuyệt với một nửa yêu thương, từng gắn bó với cuộc đời mình, được Phan Việt miêu tả chân thật trên từng dòng chữ. Đọc chị, người ta hiểu cảm giác thế nào là rút ruột ra và viết. Phan Việt để cho cảm xúc tuôn trào khi không ngại chọc thẳng vào sự sợ hãi, vào nỗi đau của một người đàn bà bị tình yêu xô ngã đến mất phương hướng. Chị buộc phải vực dậy bản thân để tìm con đường đi đúng theo trái tim mình mách bảo.

Chất nữ tính là điều không thể chối bỏ trong những tâm sự rất đàn bà ở cuốn sách. Chất nữ tính ấy kêu gọi bản thể mà nó trú ngụ: hãy dành cho người chồng một cơ hội để thử một lần nữa với cuộc hôn nhân của cả hai. Nhưng ngược lại, lý trí và sự mạnh mẽ ở một con người nói chung - một con người không cần phân biệt giới tính - lại thúc giục: hãy tỉnh táo, cuộc đời của ngươi do ngươi quyết định, nếu biết tự cởi trói mình khỏi một cuộc hôn nhân bất hạnh, điều đó là phúc lành cho cả hai con người,

Phan Việt tâm sự, chị viết cuốn sách để kể lại việc chị trải qua ly hôn như thế nào, chứ không phải để giải thích vì sao chị ly hôn. Đó là một sự phân biệt rất cần thiết. Bởi khi hiểu như thế, độc giả nhận ra, nhân vật chính ở đây là chị chứ không phải là ai khác. Hình ảnh người chồng chỉ là nhân tố nhạt màu hơn, dù nếu xét về lý, mối quan hệ với người chồng chính là mối quan hệ chính yếu dẫn đến một giai đoạn bi kịch của nhân vật tôi. Đây là một thái độ sòng phẳng trong cảm xúc. Nhờ vậy, những trách móc, oán hờn, uất hận về mất mát trong đời sống riêng, hẫng hụt trong tình cảm hôn nhân đều xuất phát từ nhân vật tôi. Những mổ xẻ, phân tích, trải nghiệm về cuộc sống chung của hai con người cũng đều xuất phát từ nhu cầu tự thân của nhân vật tôi. Sau một thời gian dài hòa lẫn mình vào đời sống vợ chồng, khi rạn nứt xảy ra, người phụ nữ cần tìm lại được chính con người của họ, bản thân của họ và sống cuộc đời của họ.

Nhưng điều đó thực sự không hề dễ dàng. Để đưa ra quyết định ly hôn và chọn lối đi riêng cho mình là điều không hề dễ dàng với một người phụ nữ. Dẫu cho người phụ nữ, ở đây là Phan Việt, đang sống ở Mỹ, hấp thu nền văn hóa - giáo dục cao của Mỹ, thì điều đó vẫn là một ngọn núi chót vót, đòi hỏi chị phải có sự dũng cảm mới có thể vượt qua những trở ngại và áp lực. Những giọt nước mắt, những tra vấn dành cho bản thân mình: ly dị là đúng hay sai? Tại sao ly dị là lựa chọn cuối cùng cho cuộc hôn nhân này? Sau ly dị mình sẽ sống thế nào, bắt đầu lại từ đâu?... Những câu hỏi xoay vòng có lúc tưởng nhấn chìm Phan Việt. Nhưng độc giả sẽ thấy, nữ tác giả không dễ dàng để mình bị quật ngã.

Tác giả Phan Việt ở bìa trong của ấn phẩm.

Tác giả Phan Việt ở bìa trong của ấn phẩm.

Nhưng Xuyên Mỹ không đơn thuần là một cuốn sách viết về nỗi đau đàn bà. Trên nền của một câu chuyện rất riêng tư, Phan Việt có một cách viết khái quát hơn, sâu và rộng hơn để đưa tác phẩm của mình lên một tầm cao. Đọc sách của chị, người ta hiểu hơn về lối sống Mỹ, tâm hồn Mỹ, về mối quan hệ giữa đàn ông - đàn bà nói riêng, về mối quan hệ giữa con người với con người nói chung, về hôn nhân, về những kỹ năng cần thiết để bạn tìm được sự tự tin trong cuộc sống... Những dẫn chứng, số liệu cụ thể được chị trích ra từ các tài liệu khoa học, các bài nghiên cứu, bài báo, giúp bất cứ người trưởng thành nào cũng có thể tìm thấy những lời khuyên thật sự bổ ích cho các giai đoạn trước, trong và sau quyết định ly hôn. Và trên hết, cuốn sách giúp cho bạn đọc tự tin hơn trên hành trình khám phá bản thân, hiểu rõ hơn về mình để cuộc đời mình đẹp hơn.

Ngoài ra, Xuyên Mỹ còn là câu chuyện về đời sống của một tri thức trẻ người Việt Nam nỗ lực tìm thấy chỗ đứng của mình trong đời sống học thuật của Mỹ. Phan Việt có thể giày vò bản thân vì câu chuyện đời rất riêng của chị, về một trầy xước hôn nhân để lại vết thương trong tâm hồn đàn bà. Nhưng chị cũng đầy mạnh mẽ khi giữa bộn bề của cuộc sống, vẫn kiên nhẫn đeo bám con đường học hành, hoàn thành chương trình Tiến sĩ ngành Công tác xã hội ở Đại học Chicago. Những trải nghiệm quý giá mà nữ tác giả có được trong khoảng 10 năm trời dùi mài kinh sử trong môi trường giáo dục của Mỹ là một liều thuốc tinh thần kích thích đầy tích cực cho những ai say mê con đường học vấn, học vừa để thành tài và thành người.

Ở trang cuối của Xuyên Mỹ, sau khi Phan Việt lấy bằng Tiến sĩ và chuyển từ Chicago về California để làm việc, bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng: "... California hóa ra còn chưa phải là nhà và tôi chỉ mới đi được nửa đường bởi vì những chuyện xảy ra sau khi tôi tới California còn là một thử thách lớn hơn những gì đã xảy ra trong hai năm qua. Chúng sẽ khiến những gì tôi từng vật lộn trong ly hôn trở nên vụn vặt. Chúng sẽ mở mắt cho tôi về sự bé mọn của những phiền não, những suy tư và cả những niềm vui mà tôi đã nuôi dưỡng trước đó. Chúng phá vỡ thêm một lần nữa tất cả những thành trì ý niệm tôi còn giữ về tôi, về con người và cuộc sống trước khi hé cho tôi thấy câu trả lời cuối cùng".

Dòng tâm sự này hứa hẹn tác phẩm sắp tới của Phan Việt, cuốn Về nhà - ấn phẩm thứ ba của bộ sách Bất hạnh là một tài sản, chứa đựng những điều đáng đọc.

Anh Vân

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét