Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Ngân hàng Việt vừa thích vừa sợ thị trường Myanmar

Ngân hàng Việt vừa thích vừa sợ thị trường Myanmar

Ngân hàng Việt vừa thích vừa sợ thị trường Myanmar Tiền mặt vẫn dùng trong hầu hết giao dịch, thẻ tín dụng còn xa lạ, Myanmar trong con mắt các ngân hàng Việt giống một cô gái đẹp khó chinh phục.
  • Ngân hàng Việt cạnh tranh giấy phép tại Myanmar / Việt Nam là bài học kinh tế cho Myanmar

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đi tiên phong trong việc mở văn phòng ở xứ Chùa Vàng vào đầu năm 2010. Khoảng 2 năm sau, đến lượt Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) được Chính phủ Myanmar cấp giấy phép thành lập văn phòng, và bắt đầu hoạt động từ năm 2013. Gần đây, Chính phủ nước này cho biết sẽ cấp phép lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài cho 10 trong số các đơn vị đã có văn phòng đại diện. BIDV hiện là đại diện duy nhất của Việt Nam cạnh tranh để có được tấm giấy thông hành này.

myanmar.jpg

Nhiều ngân hàng Việt muốn đầu tư sang Myanmar trong khi cuộc cạnh tranh tại thị trường này ngày một gắt gao. Ảnh: ZumaPress.

Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo một số ngân hàng cũng tiết lộ đã sang xứ sở Myanmar để tìm hiểu thực địa và đặt tham vọng chen chân tại đây. Đại diện Sacombank khẳng định sẽ khai phá thị trường này trong vòng 2 năm tới, bằng cách xin lập chi nhánh, thay vì văn phòng đại diện. Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) mong muốn gia nhập thị trường này nhưng mới được phía Việt Nam chấp thuận mở phòng giao dịch và đang hoàn tất thủ tục cấp phép ở nước sở tại. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần khác ở Hà Nội đã hiện diện ở Lào, Campuchia nhiều năm nay cũng hé lộ sắp tới sẽ tiến quân sang Myanmar.

Ngoại trừ BIDV đã có bước đi rõ ràng, hầu hết các nhà băng vẫn nhìn về xứ sở Chùa Vàng với ánh mắt vừa thích, vừa sợ. Theo lãnh đạo các ngân hàng, họ thích bởi Myanmar là thị trường tài chính hấp dẫn, thậm chí tiềm năng hơn nhiều so với Lào, Campuchia. Đất nước vừa mở cửa này có mật độ dân số lớn, lượng người có tài khoản ngân hàng chưa cao, các dịch vụ thẻ tín dụng còn rất xa lạ. Tiền mặt vẫn được sử dụng tràn lan.

Còn với ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài Việt Nam (VAFIE), người đầu tiên từng làm trưởng đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang Myanmar tìm hiểu từ năm 2001, Myanmar có rất nhiều tiềm năng về khoáng sản và lượng doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực đang chen chân tới đây ngày một đông. Việt Nam hiện đứng thứ 8 trong số các nước có vốn đầu tư lớn nhất vào Myanmar, tổng giá trị FDI trên 600 triệu đôla Mỹ với 7 dự án. "Khi các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ đã đầu tư sang đó thì cũng là lúc ngành tài chính ngân hàng phải sẵn sàng đi theo", ông nói.

Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà còn ví von Myanmar giống như một nàng tiên đẹp mà nhiều quý ông để mắt. Nếu như BIDV đã tỏ rõ quyết tâm đến gần cô gái đẹp ấy thì nhiều ngân hàng khác dù rất thích nhưng vẫn còn sợ, ngần ngại và chỉ dám đưa Myanmar vào kế hoạch ở thì tương lai.

Thách thức với mọi ngân hàng không riêng Việt Nam, là ở Myanmar đang có sự cạnh tranh gắt gao để lấy được giấy phép. Hiện Myanmar có 4 ngân hàng quốc doanh, 22 ngân hàng tư nhân và gần 35 ngân hàng nước ngoài đặt văn phòng đại diện. Phần lớn được cấp phép nhanh chóng với lượng tăng đột biến chỉ trong 2 năm qua, từ khi nước này dỡ bỏ lệnh cấm vận.

myanmar-bank500.jpg

Hệ thống ngân hàng nội địa Myanmar còn nhiều sơ khai. Ảnh: CNN.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách khối Dịch vụ Tài chính Ngân hàng của Ernst & Young Việt Nam nhìn nhận điều này cho thấy phần nào sự canh tranh gay gắt ở Myanmar. "Giả sử chỉ phân nửa các văn phòng đại diện này được cấp phép mở chi nhánh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài thì sẽ gặp phải tình trạng 'over-bank' (dư ngân hàng) tương tự như Việt Nam vừa qua, có thể dẫn đến những hệ lụy với hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và tổng thể nền kinh tế nói chung".

Bà Dương cho biết, các ngân hàng ngoại đến Myanamar có thể còn vấp phải phản ứng không nhỏ từ những ngân hàng nội địa mặc dù Chính phủ nước sở tại đã cam kết sẽ có những hạn chế với các nhà băng nước ngoài để bảo vệ khu vực trong nước.

Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo ngân hàng BIDV cho biết: "Đã đi thi đấu thì buộc phải cạnh tranh thôi. Kể cả nếu được cấp phép thì cũng sẽ có một số hạn chế như chỉ được phục vụ khách hàng Việt Nam thay vì đại trà, chưa được cung cấp dịch vụ bán lẻ, chỉ cho vay bằng ngoại tệ". Lần này BIDV sẽ phải đương đầu với những cái tên lớn trên thế giới như ANZ của New Zealand; ICBC của Trung Quốc; Mizuho, Mitsubishi, Sumitomo Mitsui của Nhật...

Hành lang pháp lý cũng là một thách thức không nhỏ. Phân tích trên American Lawyers mới đây, tác giả Tom Brennan cho rằng hầu hết các đạo luật của Myanmar hiện nay quá lỗi thời và khó có thể bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài. Ông dẫn chứng, Myanmar vẫn dùng Luật Doanh nghiệp từ năm 1914, Luật Trọng tài Quốc tế (đạo luật quy định các tranh chấp quốc tế tại nước trung gian) từ năm 1944 còn Luật ngân hàng cũng chưa chính thức được thông qua. Chưa kể, vị chuyên gia này cũng đặt lo ngại khi Myanmar năm 2013 xếp thứ 157/177 về chỉ số về tính minh bạch theo công bố của Tổ chức minh bạch thế giới.

Bà Nguyễn Thùy Dương cũng cho rằng đây là thách thức không nhỏ. "Một nền kinh tế mới bước vào công cuộc cải cách kinh tế và chính trị thì rủi ro pháp lý là điều không tránh khỏi. Do vậy, các ngân hàng cũng nên có những bước đi thận trọng hơn khi tới đây", bà Dương nhìn nhận. Không chỉ vậy, theo bà, các nhà băng Việt cũng cần xây dựng lòng trung thành với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sang Myanmar làm ăn.

Còn theo ông Nguyễn Văn Toàn, quan trọng nhất vẫn là sự chuẩn bị về nội lực của các ngân hàng Việt chưa thực sự tốt. Vị chuyên gia này cho rằng các nhà băng Việt nên tận dụng thời gian này để củng cố chính mình và vươn dần sang Myanmar ngay khi thị trường còn sơ khai. "Nếu không, khi sân chơi đã chật, sự cạnh tranh sẽ khốc liệt thì việc mình nhảy vào không còn tốt nữa", ông nói.

Ông Phan Huy Khang - Tổng giám đốc Sacombank – cũng cho biết đang đầu tư ở Campuchia, sắp mở ngân hàng con ở Lào nên năm nay chưa thể tập trung vào Myanmar. Theo ông, giả sử lập thêm một ngân hàng con, Sacombank sẽ cần nguồn vốn điều lệ dự trù theo yêu cầu của nước sở tại. "Như vậy sẽ giảm vốn tự có của Sacombank ở bên này vì vậy chúng tôi cần cân nhắc kỹ", ông Khang nói.

Thanh Thanh Lan

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét